Cảng Đồng Nai – Dấu Ấn 30 Năm

Ngày 06/6/2019, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (PDN) tròn ba thập kỷ hình thành và phát triển. Trong suốt 30 năm qua, từ nỗ lực vượt khó để kiến tạo và cống hiến, PDN đã có những cột mốc, những con số đánh dấu sự sang trang về vị thế, tầm vóc và trở thành hạt nhân trong mạng lưới logistics của Đồng Nai, một thương hiệu Cảng biển tiêu biểu trong khu vực Đông Nam bộ.

Lần đầu tiên cái tên Cảng Đồng Nai xuất hiện là vào ngày 06/6/1989 với sự kiện UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định thành lập Xí nghiệp Cảng Đồng Nai (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai). Đây cũng là thời điểm tỉnh Đồng Nai bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư và Cảng Đồng Nai được kỳ vọng sẽ sớm hình thành để phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.

Thành tựu 30 năm

Khi thành lập Cảng Đồng Nai chỉ có 4 nhân sự và số vốn ít ỏi. Tài sản lớn nhất khi đó và cũng là niềm tự hào lớn nhất của Cảng Đồng Nai trong 30 năm qua chính là ý chí và tâm huyết của đội ngũ nhân sự, từ thế hệ tiên phong mở đường đến thế hệ sau vẫn luôn gìn giữ, nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết để tạo nên một PDN lớn mạnh và kiên định với tâm nguyện phụng sự xã hội.

Tập thể CBNV Cảng Đồng Nai

Từ khởi điểm gần như là số 0, PDN hiện đã có vốn điều lệ hơn 123 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng đạt gần 800 tỷ đồng. Các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng tăng trưởng liên tục và đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây.
Nếu như năm 1995, doanh thu của Cảng mới chỉ đạt 2,36 tỷ đồng, lợi nhuận 357 triệu đồng và lượng hàng tổng hợp chỉ 140 ngàn tấn thì đến năm 2018, PDN đã đạt doanh thu 671 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 111 tỷ đồng, sản lượng hàng tổng hợp đạt 6,4 triệu tấn. Năm 2011 sản lượng container là 5.860 TEUs  thì đến năm 2018 là 673 ngàn TEUs. Tổng sản lượng hàng hóa (quy đổi) năm 2018 đã vượt ngưỡng 12 triệu tấn.

Tác nghiệp hàng tổng hợp tại Cảng Gò Dầu

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xếp dỡ hàng tổng hợp đạt 3,3 triệu tấn, sản lượng hàng container đạt 345 ngàn TEUs với tổng doanh thu hơn 340 tỷ đồng, đạt 108% so với cùng kỳ.
Từ một bến cảng chỉ có 60m cầu cảng 2.000 DWT trong những năm đầu thành lập, đến nay PDN đang sở hữu ba khu vực cảng có vị trí chiến lược cả thủy và bộ với tổng diện tích mặt bằng 727.000 m2, 08 cầu cảng, 2 bến sà lan, 6 nhà kho với diện tích 26.000 m2 và chuỗi dịch vụ khép kín. Đặc biệt, từ năm 2015, Cảng Gò Dầu đã tiếp nhận được tàu hàng có trọng tải lên đến ba vạn tấn.
30 năm qua, từ nền móng được tạo dựng bằng uy tín, từ nỗ lực thực hiện cam kết với khách hàng, đối tác và tâm huyết với sứ mệnh của một doanh nghiệp cảng biển, PDN đã và đang nhận được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng, đối tác trong nước và quốc tế.

Tác nghiệp hàng container tại Cảng Long Bình Tân

Từ những khách hàng đã tin tưởng, hỗ trợ nguồn vốn để Cảng từng bước xây dựng và phát triển trong giai đoạn đầu tiên như UIC, Shell Việt Nam, TPC Vina, VT Gas, JVF đến các hãng tàu, chủ hàng lớn trong khu vực và thế giới đang hợp tác với Cảng như Riverbank, Yangming, Maersk Line, Gemadept, APL, CMA_CGM, MSC… cùng sự gắn bó lâu dài của rất nhiều khách hàng, đối tác đã là sự bảo chứng cho uy tín và chất lượng dịch vụ tại PDN. Đó cũng là thành tựu mang ý nghĩa khẳng định về năng lực, khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế trong cung cấp dịch vụ logistics của PDN.
Chiến lược kết nối hiệu quả

Hiện nay, PDN gồm 02 khu vực cảng thương mại quốc tế là Cảng Long Bình Tân và Cảng Gò Dầu đang hoạt động hiệu quả với vai trò vừa là cảng biển đối với dịch vụ xếp dỡ hàng tổng hợp trong nước và xuất nhập khẩu, hàng container nội địa… vừa giữ vai trò như ICD kết hợp chặt chẽ với cảng biển nước sâu tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu đường biển đối với dịch vụ xếp dỡ container… Với nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, PDN được đánh giá là địa chỉ kết nối hiệu quả của khách hàng trong tỉnh Đồng Nai và khu vực Đông Nam bộ.

Toàn cảnh Cảng Gò Dầu

Theo Ban lãnh đạo PDN, một trong những yếu tố mang tính quyết định thành công của PDN trong 30 năm qua là tầm nhìn chiến lược và những định hướng đúng đắn của thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm. Trong đó, việc chuyển đổi công năng Cảng Long Bình Tân thành cảng container, đồng thời xác định thế mạnh của Cảng Gò Dầu là hàng rời, hàng lỏng là định hướng ngành hàng chính xác, đưa PDN phát triển theo phân khúc hàng hóa phù hợp, phát huy được thế mạnh của mình.
Đặc biệt, thành công trong khai thác container tại Cảng Long Bình Tân không chỉ giúp Cảng đạt được sự đột phá về doanh thu, sản lượng mà còn mang lại hiệu quả xã hội như góp phần giải quyết tình trạng quá tải trong vận tải đường bộ, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm chi phí, thời gian vận chuyển cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy định hướng chiến lược, thời gian qua PDN đã tăng cường kết nối với các cảng nước sâu, qua đó tăng lượng hàng thông quan qua cảng. Hiện nay lượng container từ Cảng Thị Vải –  Cái Mép về Cảng Đồng Nai chiếm 80% sản lượng của PDN, 20% còn lại là từ PDN về các cảng khu vực Tp.HCM. 

Tàu hàng container cập Cảng Long Bình Tân

Đồng thời, trong nỗ lực tăng tốc độ thông quan hàng hóa, PDN đã kết nối vào hệ thống thông quan điện tử một cửa Quốc gia và năm 2018 đánh dấu một bước phát triển mới với sự kiện Đội Nghiệp vụ 2 – Chi cục Hải quan Biên Hòa được thành lập tại PDN. Qua đó, hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thông quan tại Cảng nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn phát triển hơn nữa.
Hiện nay, để tăng năng lực khai thác và công suất hoạt động, PDN đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng diện tích kho bãi, đầu tư mới nhiều trang thiết bị tại Cảng Long Bình Tân và Cảng Gò Dầu. Trong năm 2019, Cảng dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động thêm 01 bến tàu 30.000 DWT (bến B5), hoàn thiện nâng cấp 02 bến tàu A3, B3 từ 10.000 và 15.000 DWT lên 30.000 DWT, mở rộng 50m nối liền cầu cảng số 2 và cầu cảng số 3 tại Cảng Long Bình Tân, mở rộng thêm 8 ha ở Cảng Gò Dầu. Qua đó, đáp ứng lượng hàng xếp dỡ thông qua Cảng đang ngày càng gia tăng của khách hàng.

Toàn cảnh Cảng Long Bình Tân

Cũng trong năm 2019, PDN sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất thủ tục để được cấp phép trở thành cảng cửa khẩu song song với việc thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu tại Cảng Long Bình Tân. Mục tiêu của kế hoạch này là đa dạng hóa mặt hàng, nguồn hàng thông qua Cảng, tạo điều kiện cho khách hàng làm thủ tục thông quan tất cả các mặt hàng ngay tại Đồng Nai để tiết giảm tối đa thời gian, chi phí cho khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Cảng.
Hướng đến Top 5 cảng biển hàng đầu Việt Nam

Bước sang chặng đường mới, PDN phấn đấu không ngừng gia tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị đóng góp vào sự phát triển của địa phương trên nền tảng của quản trị hiện đại, đầu tư hiệu quả, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội… Qua đó, mang đến cho khách hàng, đối tác, cổ đông và tập thể CBCNV những giá trị vững bền được tích lũy từ sự phát triển chung của PDN và xã hội.

Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc Cảng Đồng Nai

Chia sẻ về mục tiêu của PDN, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT PDN cho biết: “Từ nền tảng về uy tín thương hiệu và nguồn lực của PDN, chúng tôi mạnh dạn đặt ra mục tiêu bước vào Top doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ vào năm 2022 và phấn đấu trở thành một trong 5 cảng biển hàng đầu Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu này, PDN sẽ phát huy và khai thác tối đa nguồn tài nguyên đang nắm giữ, đầu tư phát triển nội lực, mở rộng thêm các dịch vụ, mở rộng các mối liên kết, liên doanh để các điểm đến trên bản đồ hàng hải khu vực đều có tên tuổi PDN và để có thể kết nối được sâu hơn với chuỗi giá trị logistics quốc tế”.