Câu chuyện của Sonadezi: “Kẻ lạ mặt” ở Bộ Công nghiệp

Cuối năm 1992, những doanh nghiệp Đài Loan đầu tiên đến Đồng Nai tìm kiếm cơ hội đầu tư đã khảo sát khu đất tỉnh dự kiến phát triển một KCN mới, vị trí ngay bên cạnh đường xa lộ nối liền Tp. Hồ Chí Minh với Biên Hòa.

Với sự nhạy bén và kinh nghiệm phát triển công nghiệp trong hơn hai thập niên ở Đài Loan, các nhà đầu tư này nhận thấy đây là địa điểm đầu tư lý tưởng cho dự án sản xuất các loại dây điện, cáp điện của họ. Họ cũng cho rằng thị trường tiêu thụ nội địa các sản phẩm này sẽ nhanh chóng bùng nổ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa.

Khi đó, các nhà đầu tư này đã được giới thiệu một mảnh đất rộng 6 ha để lập hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư, thành lập Công ty Cổ phần Hữu hạn Dây điện và Cáp điện Việt Sơn Minh. Ông Diệp Nghi Minh là người đại diện cho nhóm các nhà đầu tư Đài Loan cùng góp vốn vào dự án này.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Sonadezi và các cơ quan ban ngành của Đồng Nai, mọi việc từ giới thiệu địa điểm, đo đạc, vẽ mặt bằng tổng thể để giải trình cơ cấu sử dụng đất…đến lập hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa đều tiến hành tương đối thuận lợi. Trong một thời gian ngắn, toàn bộ hồ sơ đã chuẩn bị xong và được mang ra Hà Nội nộp cho Trung tâm Thẩm định của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI).

Sau hơn một tháng lấy ý kiến của các Bộ, Ngành có liên quan về hồ sơ dự án trước khi Trung tâm Thẩm định tổng hợp trình Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, tin không vui “bay” vào Đồng Nai: Bộ Công nghiệp nặng không chấp thuận vì trên địa bàn Tp.Biên Hòa đã có hai nhà máy với các sản phẩm tương tự đang hoạt động. Các dự án này không những đủ sức cung ứng sản phẩm cho thị trường Việt Nam mà còn đủ năng lực để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Nhận tin, lãnh đạo Sonadezi cùng các nhân sự viết Luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án phải gấp rút bay ra Hà Nội để giải trình, thuyết phục Bộ Công nghiệp nặng đồng ý cho phép triển khai dự án. Sau khi cơ bản thuyết phục được ban lãnh đạo Bộ, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, yêu cầu bổ sung giải trình, cam kết của nhà đầu tư. Trọng trách xử lý phần việc này được giao cho ông Vũ Ngọc Tuy, Giám đốc Tài chính – Kinh doanh của Công ty. Giám đốc Công ty yêu cầu ông Tuy chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu và mang ra Văn phòng của Bộ Công nghiệp nặng để trực tiếp thuyết minh, giải trình bổ sung.

Sau khi giải trình, cán bộ Vụ vẫn chưa đồng ý nên ông Tuy phải ở lại Hà Nội nhiều ngày để xử lý công việc. Với cách ăn mặc bình dân và có phần xuề xòa, “kẻ lạ mặt” Vũ Ngọc Tuy ngày nào cũng kiên trì ngồi đợi ở Bộ Công nghiệp nặng để lấy ý kiến chấp thuận cho dự án. Đến mức, một đồng chí lãnh đạo Bộ đã gọi điện thoại cho Giám đốc Công ty hỏi “Cái ông cứ lảng vảng ở Văn phòng Bộ là cái gì của Công ty?”…

Cuối cùng, sự kiên trì, quyết tâm cao cùng cách giải trình thuyết phục của ông Tuy đã hóa giải được nút thắt của dự án. Bộ Công nghiệp nặng đồng ý cho dự án thực hiện tại Đồng Nai với những điều kiện về thị trường tiêu thụ và chất lượng sản phẩm.

Dự án được cấp giấy phép đầu tư là niềm vui lớn của ‘kẻ lạ mặt lảng vảng suốt ngày ở Bộ Công nghiệp” cũng như các nhà đầu tư và toàn thể CBNV Sonadezi. Câu chuyện này đã mang đến kinh nghiệm quý báu cho đội ngũ nhân sự của Công ty, đó là “cứ kiên trì, nhẫn nại, không từ bỏ mục tiêu sẽ đạt được thành công”.