Thứ sáu, 14/09/2018, 03:29pm GMT+7
Tham dự Đoàn giám sát có các ủy viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương. Tiếp và làm việc với đoàn có bà Đỗ Thị Hải Yến – Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo một số sở ngành, Ban Quản lý các KCN của tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo UBND TP. Biên Hòa, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Đồng Nai và Tổng công ty Sonadezi.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đặt nhiều câu hỏi về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường của địa phương, sở ngành đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, chất thải của Tổng công ty Sonadezi và các doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1.
Báo cáo với đoàn giám sát về hoạt động bảo vệ môi trường của KCN Biên Hòa 1, ông Phan Đình Thám – Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi (đơn vị đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Biên Hòa 1) cho biết: KCN Biên Hòa 1 được thành lập từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau 30/4/1975, Nhà nước tiến hành tiếp quản, đổi tên thành KCN Biên Hòa 1 và các nhà máy trong KCN này chủ yếu do các Bộ ngành quản lý. Đến năm 1990, Tổng công ty Sonadezi được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý KCN Biên Hòa 1 với thực trạng hạ tầng khi đó đã xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai mà cụ thể là giao cho Tổng công ty Sonadezi cải tạo, nâng cấp hạ tầng KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập, hệ thống thu gom nước mưa và nước thải của KCN Biên Hòa 1 không được tách riêng hoàn toàn do đó gây khó khăn cho việc việc kiểm soát xả thải của các doanh nghiệp trong KCN. Vì vậy, Tổng công ty Sonadezi đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là cải tạo việc thu gom, xử lý nước thải, tách riêng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải trong KCN.
Bên cạnh đó, KCN Biên Hòa 1 có khoảng 77 doanh nghiệp (với 84 cơ sở) đang còn hoạt động sản xuất với nhiều ngành nghề như vật liệu xây dựng, ắc quy, hóa chất, bao bì giấy, thực phẩm, đường… Phần lớn các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 đã hoạt động lâu năm, có công nghệ lạc hậu. Mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 4.000 m3 nước thải. Có 12 cơ sở được cấp phép xả thải trực tiếp, còn các cơ sở khác đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của KCN Biên Hòa 1 chuyển về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tại KCN Biên Hòa 2 với khối lượng hơn 1.000 m3/ngày đêm. Gần 3.000 m3 nước thải còn lại do các cơ sở được cấp phép xả thải tự xử lý đạt chuẩn quy định rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai, điều này gây khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm, dễ xảy ra các nguy cơ ô nhiễm về môi trường. Do vậy, từ năm 2009, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và di dời các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây để bảo vệ môi trường.
Báo cáo với đoàn giám sát về khó khăn của công ty hạ tầng và doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Biên Hòa 1 trong quá trình thực hiện chủ trương di dời, đại diện Tổng công ty Sonadezi cho biết: với chủ trương chuyển đổi công năng và di dời, các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 hiện hoạt động trong tình trạng cầm chừng, chờ di dời và hầu như không có đầu tư công nghệ, nâng cấp hạ tầng nội khu nhà máy. Còn công ty hạ tầng thì không thể mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hạ tầng để đảm bảo nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường trong KCN Biên Hòa 1 mà chỉ duy tu, sửa chữa nhỏ. Đặc biệt, Tổng công ty Sonadezi còn gặp khó khăn lớn trong việc ký phụ lục hợp đồng với khách hàng và thu tiền thuê đất theo đơn giá mới.
Ngày 27/02/2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 206/TTg-KTN đồng ý cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị – thương mại – dịch vụ theo quy định hiện hành. Là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ viết Đề án, Tổng công ty Sonadezi đã hoàn tất dự thảo Đề án đề xuất các phương án và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phải di dời. Trong đó, chú trọng việc đảm bảo quyền lợi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động khi di dời đến địa điểm mới. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ cho Công ty hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN khi di dời, đồng thời còn nhiều vướng mắc xung quanh việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện đề án, do đó đề án chưa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.
Tổng công ty Sonadezi kiến nghị đoàn giám sát có ý kiến, đề xuất với các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh theo hướng thống nhất giữa Luật Tài nguyên Môi trường và Luật thuế về chính sách ưu đãi khi di dời các sở gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, liên quan đến việc quản lý, phân loại bùn thải tại nhà máy XLNT tập trung, Tổng công ty Sonadezi cũng kiến nghị xem xét, điều chỉnh Thông tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 cho phù hợp với Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT ghi nhận Tổng công ty Sonadezi thực hiện công tác bảo vệ môi trường tương đối tốt. Đồng thời ông Trần Văn Minh khẳng định, các kiến nghị của Tổng công ty Sonadezi hoàn toàn xác đáng, đoàn sẽ tiếp thu, nghiên cứu và làm việc với cơ quan chức năng để có hướng giải quyết thấu đáo và hợp lý.
Riêng về chính sách hỗ trợ di dời, ông Trần Văn Minh cho biết, Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều nội dung chính sách, giải pháp về bảo vệ môi trường, trong đó có đề ra việc xây dựng chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng khỏi khu dân cư. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng chính sách di dời và hỗ trợ di dời cơ sở gây ô nhiễm. Đoàn sẽ có báo cáo, đề xuất để góp phần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành chính sách này.
Một số hình ảnh: