Ngày 26/12/1963, Công ty Quốc gia Khuếch trương Khu kỹ nghệ (Société Nationale Pour Le Développement des Zones Industrielles – viết tắt là Sonadezi) được thành lập. Đây là Công ty đã tạo lập và phát triển nhiều khu kỹ nghệ (KKN) trên cả nước.
Theo tài liệu lưu lại, số vốn ban đầu của Sonadezi là 40 triệu đồng (do Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ và Thương cảng Sài Gòn góp vốn). Sau đó, hàng năm Sonadezi được ngân sách quốc gia tài trợ để phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tính đến 30/04/1975, tổng số tiền đầu tư vào Sonadezi trích từ ngân sách là 500 triệu đồng.
Dấu ấn của Công ty Quốc gia Khuếch trương Khu kỹ nghệ
Trong 12 năm tồn tại (từ năm 1963 – 1975), Sonadezi đã thành lập KKN Biên Hòa (25-03-1963), KKN Tây Đô (06-01-1968), KKN Đà Nẵng (03-11-1971), KKN Tân Mai (15-04-1974), KKN Long Bình (21-05-1974), KKN Cam Ranh (21-05-1974) với tổng diện tích 511 ha.
Trong số các KKN do Sonadezi thành lập, KKN Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1) là dự án mang ý nghĩa lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của Sonadezi.
KKN Biên Hòa đặt tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa (cũ). Đây là KKN lớn, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tính đến cuối tháng 4/1975, KKN Biên Hòa đã lấp đầy 86% diện tích với 95 xí nghiệp.
Trong đó, 62 xí nghiệp đang hoạt động, 26 xí nghiệp đang xây dựng, 7 xí nghiệp đang chỉnh trang. Các xí nghiệp hoạt động trong 14 ngành nghề là xây dựng kiến trúc, điện – điện tử, kim khí, dệt may, thủy tinh, ván ép, cao su chất dẻo, thực phẩm, hoá phẩm, giấy ấn loát, sơn, cơ giới, cơ sở phụ trợ và ngành khác.
Có thể nói, thành tựu của KKN Biên Hòa là một minh chứng sinh động cho sự thành công của mô hình KKN tại Việt Nam trong giai đoạn thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70.
Giải thể Sonadezi và bài toán quản lý KKN Biên Hòa
Tháng 4/1975, Bộ Xây dựng tiếp quản Công ty Quốc gia Khuếch trương Khu kỹ nghệ. Sau một số lần thay đổi tổ chức, Công ty Quốc gia Khuếch trương Khu kỹ nghệ bị giải thể. Vấn đề quản lý, vận hành KKN nhiều lần được Trung ương chỉ đạo và tỉnh Đồng Nai đã bàn bạc với nhiều ngành ở Trung ương nhưng không có tổ chức nào được lập ra để thống nhất quản lý về mặt hành chính nhà nước cũng như các công trình hạ tầng cơ sở.
Lúc này, các nhà máy, xí nghiệp trong KKN Biên Hòa được giao cho 7 Bộ, Tổng cục và UBND tỉnh Đồng Nai quản lý. Khu vực bên ngoài hàng rào nhà máy thuộc ranh giới KKN thì không có đơn vị quản trị. Trong KKN thiếu dịch vụ công ích; hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông nội khu, hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin nhanh chóng xuống cấp, thu không đủ chi cho duy tu, bảo dưỡng.
Công tác quản lý Nhà nước đối với KKN Biên Hòa cũng gặp nhiều khó khăn, dân đã lấn chiếm khoảng 150 ha của KKN để xây cất nhà ở. An ninh trật tự tại KKN chưa được đảm bảo, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng như trên là do thiếu quy chế quản lý, thiếu một tổ chức thực hiện chức năng của Sonadezi trước đây. Mặt khác, cơ chế quan liêu, bao cấp ràng buộc; các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết các vấn đề của KKN chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó, ở thời kỳ bao cấp, các nhà máy, xí nghiệp trong KKN không thể hạch toán chi phí sử dụng hạ tầng KKN vào giá thành sản phẩm. Vì vậy, không có nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng cơ sở nói trên, dẫn đến tình trạng hạ tầng KKN xuống cấp nghiêm trọng.
Thương hiệu Sonadezi “tái sinh”
Trước những vướng mắc, khó khăn trong quản lý và vận hành KKN Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai đã cố gắng trao đổi với các đơn vị đóng chân ở KKN Biên Hòa để huy động vốn sửa chữa một phần cơ sở hạ tầng. Đồng thời, để thực hiện quản lý đối với KKN và tranh thủ thời cơ, tận dụng các nguồn vốn, kỹ thuật để từng bước thay đổi bộ mặt, phát triển KKN Biên Hòa trong giai đoạn đổi mới, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Công ty có nhiệm vụ quản lý và kinh doanh hạ tầng KKN, làm đầu mối các dịch vụ đầu tư phát triển và có vai trò như một cầu nối giữa các nhà máy, xí nghiệp trong KKN với các tổ chức, đơn vị kinh tế kỹ thuật trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, do cơ chế quản lý lúc đó, 2/3 các nhà máy, xí nghiệp thuộc quyền điều phối và chỉ đạo trực tiếp của các Bộ, Ngành ở Trung ương. Để Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ đã được giao thì cần có sự nhất trí và ủng hộ của các Bộ, Ngành chủ quản và được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chấp thuận. Do đó, ngày 16/12/1989, UBND tỉnh Đồng Nai đã có tờ trình số 990/TT.UBT, xin Hội đồng Bộ trưởng cho phép UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, kinh doanh và đầu tư phát triển KKN Biên Hòa.
Để giải quyết các vấn đề của KKN, Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Xây dựng và UBND Tỉnh Đồng Nai nghiên cứu soạn thảo 4 văn bản: Quy chế Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa, Quy hoạch KCN Biên Hòa, Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Công ty Phát triển KCN Biên Hòa, Điều lệ Công ty Phát triển KCN Biên Hòa để trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt ban hành.
Bản Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Công ty Phát triển KCN Biên Hòa được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc: Tách quản lý nhà nước đối với quản lý hạ tầng kỹ thuật KCN; kinh doanh hạ tầng kỹ thuật ở mức thu đủ bù đắp cho chi phí duy tu bảo dưỡng. Cụ thể:
– UBND Tỉnh Đồng Nai thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KCN.
– Nhà nước đầu tư, cho Công ty Phát triển KCN Biên Hòa vay vốn với lãi suất ưu đãi, kể cả mức 0% để khôi phục phát triển hạ tầng kỹ thuật. Sau đó, khi có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, Công ty tự lo kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật.
– Để hỗ trợ và khuyến khích Công ty, đề nghị nhà nước miễn nghĩa vụ nộp ngân sách đối với hoạt động kinh doanh các công trình kỹ thuật hạ tầng, công trình tiện ích công cộng của KCN. Còn các hoạt động kinh doanh khác, Công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Sau nhiều nỗ lực, Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa (tên ban đầu là Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai) đã được UBND tỉnh Đồng Nai thành lập theo Quyết định 1713/QĐ-UBT ngày 15/12/1990. Công ty đã lấy lại chính tên Sonadezi làm tên giao dịch, đánh dấu sự trở lại thị trường của thương hiệu Sonadezi và tiếp nối sứ mệnh đầu tư, phát triển hạ tầng KCN với nhiệm vụ đầu tiên là duy tu, sửa chữa KCN Biên Hòa 1.