Cuối năm 1991, từ những thành công ban đầu của Sonadezi, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định giao cho Công ty thực hiện dự án Đầu tư Phát triển KCN Long Bình. Dự án sau đó được đổi tên thành Dự án Đầu tư Phát triển KCN Biên Hòa 2.
Vị trí xây dựng KCN Biên Hòa 2 thuộc một phần của tổng kho Long Bình do Mỹ xây dựng trong thời gian chiến tranh. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn sót lại trong KCN Biên Hòa 2 là một số đoạn đường thảm nhựa chưa bị dân bóc gỡ, hệ thống cấp nước với công suất nhỏ (tạm thời có thể sử dụng cho những dự án đầu tiên)…đã được Công ty khai thác để ưu tiên giới thiệu địa điểm cho những dự án tiên phong đầu tư vào KCN mới này.
Dự án đầu tiên đầu tư vào KCN Biên Hòa 2 là dự án thành lập Công ty Cổ phần Hữu hạn Dây điện và Cáp điện Việt Sơn Minh (sau này đổi chủ đầu tư và đổi tên thành Công ty CPHH Dây điện và Cáp điện Taya).
Việc lập Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật (LCKTKT) cho dự án này do Giám đốc Nguyễn Văn Thuyên trực tiếp tham gia viết và chỉ đạo các bộ phận có liên quan phối hợp thực hiện. Việc tính toán các số liệu kinh tế do Phó Giám đốc Chu Thị Thư và Kế toán trưởng Vũ Ngọc Tuy thực hiện. Việc lập các bản vẽ kỹ thuật và quy hoạch mặt bằng tổng thể do KTS. Nguyễn Mạnh Dũng cùng nhóm kỹ thuật của các nhà đầu tư phối hợp thực hiện. Việc phiên dịch sang tiếng Hoa do ông Chu Thanh Sơn và phiên dịch tiếng Anh do cộng tác viên Nguyễn Thị Hoa thực hiện.
Mọi công việc đang trôi chảy thì đầu năm 1992, Giám đốc Nguyễn Văn Thuyên bị tai nạn giao thông tử nạn. Đây là một biến cố, gây cú sốc lớn cho CBNV Công ty. Sau đó, được sự trợ giúp và động viên kịp thời của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai, toàn thể CBNV xốc lại tinh thần để quyết tâm thực hiện bằng được sự nghiệp còn đang dang dở của Giám đốc Nguyễn Văn Thuyên.
Việc hoàn tất LCKTKT cũng như một núi công việc liên quan đến dự án đầu tư đầu tiên tại KCN Biên Hòa 2 trở nên hết sức nặng nề, tưởng như không thể vượt qua nổi. Về phía lãnh đạo Công ty, để trợ giúp cho Phó Giám đốc Chu Thị Thư, tỉnh đã cử ông Nguyễn Khanh, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp sang đảm nhận chức vụ Giám đốc Công ty thay cho Giám đốc Nguyễn Văn Thuyên. Các công việc đã từng bước được giải quyết. 15 cuốn LCKTKT bằng ba thứ tiếng Việt – Hoa – Anh và 15 bộ bản vẽ thuyết minh đã được làm xong để trình nhà đầu tư ký trước khi mang ra Hà Nội nộp cho Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) xin cấp giấy phép đầu tư cho dự án.
Ông Chu Thanh Sơn – Nguyên Phó TGĐ Sonadezi (khi đó đang là phiên dịch tiếng Hoa) kể lại: “Một đêm đầu xuân năm 1992, đã gần 11 giờ đêm, việc kiểm tra lần cuối 15 cuốn LCKTKT và 15 bộ bản vẽ đã xong xuôi. Kế toán trưởng Vũ Ngọc Tuy và tôi vẫn đang làm việc tại văn phòng Công ty. Chúng tôi gọi điện cho ông Diệp Nghi Minh – đại diện bên chủ đầu tư và thống nhất sẽ đợi ông xuống Sonadezi để ký các văn bản, bản vẽ. Khi tới Công ty, ông Minh hỏi “Các ông là công ty tư nhân hay công ty nhà nước mà khuya khoắt vậy vẫn còn làm việc?” Khi nghe trả lời chúng tôi là nhân viên công ty nhà nước, ông tỏ ra khá ngạc nhiên và bảo rằng ông cứ nghĩ chúng tôi thuộc một công ty tư nhân.
Đến gần hai giờ sáng công việc ký tá mới xong. Tiễn nhà đầu tư lên xe về lại Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi còn nán lại, sắp xếp hồ sơ gọn gàng để chuẩn bị cho chuyến công tác ra Hà Nội. Khi chúng tôi lên xe máy trở về nhà thì trời cũng đã rạng đông. Một ngày mới tốt lành đang mở ra với hi vọng vào sự phát triển của Sonadezi”.