Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Sonadezi đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong thoái vốn, đấu thầu dự án, giải phóng mặt bằng… và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Ngày 02/8/2022, Đoàn giám sát do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Tổng công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) về hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn của công ty nhà nước giai đoạn 2019-2021.
Buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Sonadezi
Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn giám sát đã quan tâm và có ý kiến về vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình đầu tư, thoái vốn nhà nước tại Sonadezi và thoái vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp (DN); hoạt động đầu tư các dự án; chiến lược phát triển của Sonadezi…
Vốn chủ sở hữu tăng 20% trong 3 năm đại dịch Covid-19
Tổng công ty Sonadezi được cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần kể từ ngày 01/02/2016 với vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng. Sonadezi hiện đang đầu tư vào 6 công ty con, 11 công ty liên kết và 5 khoản đầu tư tài chính với tổng giá trị vốn đầu tư tính đến ngày 31/12/2021 hơn 3.200 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Sonadezi Đỗ Thị Thu Hằng báo cáo tình hình hoạt động của Tổng công ty
Hiện nay, Tổng công ty Sonadezi và các đơn vị thành viên đã và đang đầu tư xây dựng 11 khu công nghiệp (KCN) với diện tích hơn 4.500ha; hàng chục khu dân cư, khu đô thị với diện tích lên đến hàng trăm ha và các dự án dịch vụ…
Trong 3 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, Sonadezi tiếp tục duy trì tăng trưởng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nộp ngân sách đầy đủ, tình hình tài chính của Tổng công ty lành mạnh, các chỉ số về vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, lợi nhuận sau thuế và tỷ lệ chia cổ tức của Tổng công ty đều tăng qua các năm.
Giai đoạn 2019-2021, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sonadezi từ 7.730 tỷ đồng đã tăng lên 9.275 tỷ đồng (tăng 20%), tổng tài sản từ 18.300 tỷ đồng tăng lên gần 22.000 tỷ đồng (tăng 20,2%), lợi nhuận sau thuế từ 1.171 tỷ đồng đã tăng lên 1.497 tỷ đồng (tăng 27,8%) và tỷ suất lợi nhuận sau thuế đã tăng từ 17,08% lên 19,58%.
Kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất, tổng doanh thu của Sonadezi năm 2019 đạt khoảng 5.230 tỷ đồng, đến năm 2021 đã đạt 5.556 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt khoảng 1.164 tỷ đồng đã tăng lên 1.498 tỷ đồng vào năm 2021; tổng nộp ngân sách trong giai đoạn 2019-2021 đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong nhiều năm
Trong nội dung báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch HĐQT Sonadezi Đỗ Thị Thu Hằng đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc của DN. Đặc biệt, những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động như bồi thường và giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án; thẩm định giá, xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN để thực hiện thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty… đã kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của Sonadezi.
Bà Hằng cũng cho biết, Sonadezi đang gặp khó khăn trong phát triển dự án mới do thủ tục tham dự đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án còn nhiều bất cập; chí phí đền bù tăng cao, giá đất tăng cao; một số dự án Tổng công ty đang triển khai thủ tục thì có thay đổi về quy định pháp luật.
Ông Trần Thanh Hải – TGĐ Sonadezi báo cáo một số khó khăn, vướng mắc của Sonadezi
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sonadezi và các đơn vị thành viên đã nêu nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai các dự án dẫn đến chậm trễ tiến độ và hiệu quả đầu tư không đạt kế hoạch đề ra, không tạo được động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, các đơn vị cũng phản ánh sự bất hợp lý trong việc xác định lại đơn giá thuê đất, truy thu tiền thuê đất; hướng dẫn của cơ quan chức năng, sở ngành không thống nhất và khó thực hiện…
Bà Lương Minh Hiền – Phó TGĐ Sonadezi nêu kiến nghị tháo gỡ khó khăn về đơn giá thuê đất
Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động, Sonadezi và các đơn vị thành viên đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương những chính sách mới cần ban hành hoặc cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện nay.
Trong đó, Sonadezi kiến nghị được kế thừa các quyền và nghĩa vụ, đất đai tại KCN Biên Hòa 1 sau khi cổ phần hóa theo quy định của pháp luật. Sonadezi cũng đề xuất xem xét quy định phân phối lợi nhuận phù hợp với từng giai đoạn phát triển của DN; kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể đối với việc loại trừ các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại DN, đồng thời xem xét lại quy định thời gian kê khai, nộp ngân sách nhà nước đối với khoản cổ tức mà công ty cổ phần chia cho phần vốn nhà nước…
Về phát triển các dự án mới, để đảm bảo thời gian, tính bảo mật về giá khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án, Sonadezi kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy chế trong đó quy định cụ thể về trình tự và thời gian xem xét, cho ý kiến khi người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty xin ý kiến; đồng thời, xem xét việc phân cấp, phân quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sonadezi quyết định tham gia đấu giá, đấu thầu dự án để tăng tính chủ động trong quá trình thực hiện.
Sớm tháo gỡ khó khăn để DN phát triển
Trao đổi về các khó khăn, kiến nghị của Sonadezi và các đơn vị thành viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện để DN phát triển, thường xuyên tổ chức buổi làm việc với Tổng công ty Sonadezi và chỉ đạo các sở ban ngành hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN.
Bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi giám sát
“Nhiều kiến nghị hôm nay của Sonadezi có liên quan đến sự chồng chéo giữa luật và nghị định, giữa các luật với nhau. UBND tỉnh đề nghị Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan để giúp DN tháo gỡ những khó khăn”, bà Hoàng nói.
Liên quan đến những kiến nghị của Sonadezi đối với UBND tỉnh Đồng Nai về tiền thuê đất của KCN Biên Hòa 1, bà Hoàng cho biết, UBND tỉnh đã có kiến nghị với Chính phủ nhiều lần và đề nghị Sở Tài chính tiếp tục có văn bản kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Về khó khăn trong phát triển các dự án mới liên quan đến thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá theo Luật Đầu tư, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính rà soát lại các quy định và rà soát lại quy chế phối hợp theo đề nghị của Tổng công ty. Đối với các khó khăn, tồn tại của Sonadezi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương hỗ trợ, tháo gỡ cho Sonadezi.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Sonadezi trong 32 năm qua. Sonadezi đã có nhiều đóng góp cho Đồng Nai, nhất là về lĩnh vực phát triển hạ tầng KCN, qua đó tạo địa điểm, nền tảng hạ tầng kỹ thuật cho các nhà đầu tư sản xuất trong KCN, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và tạo hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động.
Đồng chí Quản Minh Cường – Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu chỉ đạo
“Sonadezi đã làm tốt công tác bảo toàn và phát triển vốn, tuy nhiên để phát triển nhanh và vững chắc trong thời gian tới, Sonadezi cần có chiến lược phát triển trong dài hạn, khai thác các lợi thế từ hạ tầng giao thông và Sân bay Quốc tế Long Thành – một điểm giao lưu, kết nối về giao thông, kinh tế, xã hội, văn hóa rất lớn của cả nước và khu vực Châu Á sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, đề nghị Sonadezi phát huy thế mạnh trong lĩnh vực hạ tầng KCN, giữ vững đoàn kết… để tiếp tục phát triển. Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, Sonadezi phải làm đúng theo quy định của pháp luật, bảo toàn vốn”, đồng chí Quản Minh Cường nhấn mạnh.
Đối với các vướng mắc, kiến nghị của Sonadezi, đồng chí Quản Minh Cường yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại một cách hệ thống xem các vướng mắc này thuộc về quy định pháp luật, cơ chế, nhận thức hay có lý do nào khác thuộc về cơ quan quản lý, thuộc về DN hay không. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận đầy đủ những tồn tại, vướng mắc, đề xuất của Sonadezi và sẽ yêu cầu các sở ban ngành liên quan giải trình, thực hiện và báo cáo kết quả giải quyết. Đồng thời, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, báo cáo với Quốc hội, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và HĐND tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo, sớm tháo gỡ cho DN, đặc biệt là những vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, giá đất cho thuê…
Kim Huệ