(Câu chuyện vui về công tác phiên dịch)
Những năm đầu khi mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, một trong những khó khăn của Sonadezi là vấn đề phiên dịch. Đội ngũ phiên dịch của Công ty rất ít người và phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Có những người vốn rất giỏi ngoại ngữ nhưng trước đó hầu như không có cơ hội trau dồi và thực hành nên kiến thức ngoại ngữ bị rơi rụng nhiều. Đặc biệt, với các nhóm từ chuyên môn mang tính chuyên biệt cho từng lĩnh vực thì càng khó khăn hơn.
Tháng 7 năm 1994, một dự án của các nhà đầu tư đến từ Singapore và Nhật Bản liên danh xin cấp giấy phép đầu tư. Đó là dự án thuê 35.000 m2 đất tại KCN Biên Hòa 2 để thành lập Công ty TNHH Showpla Việt Nam (sau này đổi tên thành Công ty TNHH TENMA), chuyên sản xuất các sản phẩm vỏ máy móc thiết bị điện, điện tử bằng nhựa. Việc phiên dịch tài liệu từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt để làm Luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án được giao cho một cán bộ đang công tác tại Phòng Tư vấn Đầu tư thực hiện. Đây là một bác đã khá lớn tuổi, trước giải phóng đã từng làm phiên dịch tiếng Anh tại Sân bay Biên Hòa nên Công ty tin tưởng vào trình độ tiếng Anh của bác.
Khi Giám đốc Công ty kiểm tra lại toàn bộ Luận chứng kinh tế kỹ thuật trước khi trình nhà đầu tư ký đã phát hiện một vấn đề về cách dùng từ ngữ. Giám đốc hỏi bác phiên dịch: “Này bác, cái dây chuyền công nghệ này sao kỳ vậy? Làm nhựa mà lại có cái máy phụt là sao?” Bác phiên dịch xem lại rồi giải trình: “Dạ thưa Giám đốc, cái máy này sau khi đun cho nhựa nóng và chảy ra thì nó đùn nhựa vào khuôn ép. Hay em dịch là máy đùn”. “Nghe cũng không ổn!”, Giám đốc nói. “ Hay em đổi thành máy phọt?”, bác phiên dịch bối rối. “Phụt với phọt thì có khác gì nhau, bác tìm từ khác cho nó xuôi hơn”, Giám đốc đề nghị.
Chỉ có một từ dịch nghe chưa xuôi tai mà Luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án bị đình lại, chưa trình cho nhà đầu tư ký được. Sau đó, Công ty phải mời một chuyên gia tiếng Anh tại TP. Hồ Chí Minh, người đã hỗ trợ dự án Fashion Garment tại KCN Biên Hòa 1. Vấn đề dịch thuật được giải quyết ổn thỏa, hồ sơ nộp đúng hạn và dự án đã được cấp giấy phép đầu tư số 920/GP ngày 25 tháng 7 năm 1994 trong niềm vui vô bờ bến của bác phiên dịch tiếng Anh và toàn thể CBNV Công ty.
Câu chuyện này cũng là bài học rất tốt cho đội ngũ viết dự án và phiên dịch của Công ty, làm tiền đề cho việc xử lý tốt đẹp các hồ sơ, thủ tục của các dự án khác đầu tư vào KCN Biên Hòa 2 và những KCN sau này.