Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có buổi giám sát thực tế tại Khu xử lý chất thải Quang Trung vào ngày 20/7.
Đây là một trong những hoạt động của Đoàn giám sát trong chương trình làm việc với Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn giám sát do ông Phùng Khánh Tài – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn. Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Nai đã cùng tham gia với Đoàn.
Buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Khu xử lý chất thải Quang Trung
Xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ của Bỉ
Báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình hoạt động của Khu xử lý Chất thải Quang Trung, lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ Sonadezi (SDV) cho biết, sau 11 năm triển khai, đến nay Khu xử lý chất thải Quang Trung cơ bản đã được đầu tư đạt và vượt yêu cầu đề ra theo quyết định phê duyệt dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Hiện nay, Khu xử lý chất thải Quang Trung đang tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho 08/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với khối lượng khoảng 1.200 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác sinh hoạt tiếp nhận được xử lý tại Trạm tái chế rác thải làm mùn compost với công nghệ của Bỉ, công suất 400 tấn/8h/2 dây chuyền, tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Đoàn quan sát khu xử lý nước thải của dự án
Hiện Khu xử lý chất thải Quang Trung có tỷ lệ rác trơ chôn lấp 14,5% (được đem chôn lấp tại các ô chôn lấp hợp vệ sinh); 70,5% thành phần hữu cơ được đưa xuống các xưởng ủ để sản xuất mùn compost, 13% nước rỉ rác thải được thu gom, xử lý theo đúng quy định và tái sử dụng tưới ẩm trên các luống ủ; 2% rác thải nhựa được tái chế.
Lãnh đạo SDV cũng cho biết, Công ty đang hoàn tất thủ tục đầu tư dự án lò đốt phát điện (công suất khoảng 150 tấn/ngày) trong Khu xử lý chất thải Quang Trung nhằm xử lý triệt để 14,5% rác trơ còn lại, thay vì chôn lấp. Dự kiến, Công ty sẽ triển khai đầu tư dự án này trong năm 2021.
Đoàn giám sát tham quan trạm tái chế rác thải làm mùn compost
Sau khi nghe đơn vị báo cáo, các thành viên trong Đoàn giám sát của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tìm hiểu chi tiết về quy trình và công nghệ xử lý, chất lượng mùn compost, vấn đề xử lý nước thải, chế độ chính sách cho người lao động tại Khu xử lý chất thải Quang Trung…
Đồng thời, Đoàn đã đi quan sát thực tế các hạng mục trong quy trình xử lý của Khu xử lý chất thải Quang Trung. Đoàn ghi nhận dự án có quy mô lớn, công nghệ xử lý phù hợp và hiện đại với quy trình khép kín, dây chuyền xử lý rác sinh hoạt vận hành tự động. Đoàn đánh giá đây là một trong những mô hình xử lý rác sinh hoạt cần được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Thành viên trong Đoàn giám sát tìm hiểu về hoạt động của Khu xử lý chất thải Quang Trung
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải
Cũng tại buổi làm việc này, lãnh đạo Công ty SDV đã trao đổi với Đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư, xử lý rác thải. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc đấu thầu xử lý rác. Cụ thể, công tác đấu thầu xử lý rác ở các địa phương hiện nay là theo chu kỳ hàng năm, theo ngân sách của năm. Như vậy, năm nào DN trúng thầu thì mới có đầu vào để xử lý. Điều này dẫn đến việc đầu tư của DN quá may rủi. Các DN không được đảm bảo về đầu vào để có thể yên tâm đầu tư đúng mức, bài bản và rất bị động trong đầu tư công suất và tính toán hiệu quả.
Mặt khác, quy trình đấu thầu còn kéo dài và không đồng bộ, thủ tục đấu thầu còn bất cập và việc nghiệm thu, thanh toán còn nhiều khó khăn. Kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét có cơ chế đấu thầu xử lý rác theo chu kỳ từ 3 – 5 năm hoặc có thể đấu thầu theo chu kỳ dự án từ 10 – 15 năm để tạo thuận lợi và động lực cho DN mạnh dạn đầu tư.
Một vấn đề nữa là đơn giá xử lý rác còn thấp, không phù hợp so với công nghệ mà DN đầu tư. Hiện nay, công nghệ xử lý liên tục thay đổi, ngày càng tốt hơn và các quy định về xử lý rác thải ngày càng nghiêm ngặt nhưng đơn giá không phù hợp với mức đầu tư và chi phí xử lý của DN.
Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát, Công ty SDV cũng kiến nghị nhiều vấn đề khác như: các Sở, ngành cần có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn để hạn chế mùi phát sinh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận hành xử lý rác thải của Công ty. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng làm việc với các đơn vị thu gom, vận chuyển về việc sớm chuyển đổi xe vận chuyển rác sinh hoạt không đạt chuẩn thành xe ép rác chuyên dụng, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân trên tuyến đường vận chuyển.
Về thủ tục xây dựng, các hạng mục xây dựng còn lại ở Khu Xử lý chất thải Quang Trung là các hạng mục đơn giản nên Công ty SDV kiến nghị: đối với thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng, Bộ Xây dựng ủy quyền cho Cục Công tác phía Nam – Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng Đồng Nai thực hiện để Công ty sớm hoàn tất các thủ tục nghiệm thu và đưa hạng mục công trình vào sử dụng.
Ông Phùng Khánh Tài – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phùng Khánh Tài – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: “Đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ các phản ánh, kiến nghị của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi. Đoàn sẽ tổng hợp, phân loại từng vấn đề và đề nghị chính quyền địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan có hướng giải quyết, tháo gỡ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, vận hành các khu xử lý chất thải”.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác bảo vệ môi trường tại dự án, đại diện SDV cho biết, hàng năm Công ty thực hiện quan trắc định kỳ 3 tháng/đợt đối với khí thải tại nguồn, nước thải, bùn thải; 6 tháng/đợt đối với không khí môi trường xung quanh, không khí môi trường lao động và tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, từ tháng 10/2019, Công ty đã hoàn tất lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động lò đốt chất thải công nghiệp. Toàn bộ dữ liệu về các thông số khí thải đều được truyền online trực tiếp về cơ sở dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.