Đoàn giám sát do ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển thị trường khoa học công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2018-2022 tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 06/10.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cùng lãnh đạo các sở, ngành đã tham dự buổi làm việc với Đoàn giám sát.
Nhiều khó khăn trong phát triển thị trường KH-CN
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã quan tâm, ban hành các chính sách, pháp luật về thị trường KH-CN, đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến Đồng Nai (donatex.vn), bố trí kinh phí cho Quỹ Phát triển KH-CN nhưng quỹ chưa hoàn thiện về mặt pháp lý và bộ máy. Đồng thời, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã và đang tổ chức, quản lý triển khai thực hiện 33 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở; tổ chức lớp tập huấn giới thiệu nền tảng IPPlatform cho các doanh nghiệp (DN), “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai -Techfest DongNai 2023”…
Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai đánh giá, hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ còn hạn chế. Việc mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn ít. Các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH-CN còn ít và yếu về năng lực.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, kinh phí để chi cho hoạt động KH-CN trên địa bàn là 2% nhưng tỷ lệ giải ngân trong thời gian qua không đạt. Thị trường KH-CN của Đồng Nai cũng không sôi động, quá trình thực hiện gặp một số bất cập liên quan đến quản lý tài sản công. Nếu không tháo gỡ khó khăn về cơ chế thì đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh sẽ không thành lập được Trung tâm Robot. Mặc dù tỉnh có hơn 1,5 ngàn dự án FDI nhưng mới chỉ có 6 DN KH-CN.
Một vấn đề khác là hiện nay hầu hết các DN KH-CN chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất hàng năm nên nhiều DN đủ điều kiện trở thành DN KH-CN không nhiệt tình đăng ký tham gia DN KH-CN tại địa phương.
Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến Quỹ Phát triển KH-CN trong DN; phân rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hướng dẫn DN được ưu đãi về thuế, tiền thuê đất nhằm tạo động lực để phát triển DN và thị trường KH-CN.
Ghi nhận kết quả ứng dụng KH-CN và kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp
Trong khuôn khổ chương trình giám sát tại Đồng Nai, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty TNHH Meggitt Việt Nam (KCN Biên Hòa 2), Tổng công ty Sonadezi và Trường Đại học Lạc Hồng.
Đoàn giám sát làm việc với Tổng công ty Sonadezi
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện Tổng công ty Sonadezi cho biết, trong số hơn 800 dự án FDI và DDI tại 11 KCN của Sonadezi, có nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn, DN hàng đầu trên thế giới như: Fujitsu, Meggitt, Mabuchi, Bosch, Olympus, Shell, Atus, Hans Vina, 3M, Samsung, Sony, Kenda…
Trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, các Công ty thành viên của Sonadezi đang ứng dụng công nghệ hiện đại của Châu Âu để xử lý nước thải, xử lý chất thải. Trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã và đang triển khai các giải pháp vận hành tự động tại các nhà máy bằng hệ thống Scada, lắp đặt các thiết bị thông minh và tiến tới việc thành lập Trung tâm điều hành tập trung…
Hệ thống Sonadezi hiện đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng đến hình thành hệ sinh thái dữ liệu của Sonadezi. Ngày 18/9 vừa qua, Sonadezi đã chính thức vận hành Hệ thống Báo cáo quản trị thông minh TABLEAU BI trong toàn Tổng công ty.
Bà Lương Minh Hiền, Phó Tổng Giám đốc Sonadezi cho biết, Tổng công ty sẽ tiếp tục chọn lọc dự án để thu hút đầu tư vào các KCN, trong đó ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và đặc biệt chú trọng tiêu chí bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực KH-CN cho các DN, KCN.
Bà Lương Minh Hiền, Phó Tổng Giám đốc Sonadezi nêu một số kiến nghị
“Trong đầu tư công nghệ, hiện nay DN đang thiếu thông tin về xu hướng, giải pháp công nghệ mới, phù hợp trong xử lý chất thải, nước thải và có thể gặp rủi ro do công nghệ thay đổi rất nhanh. Do đó, rất mong Bộ KH&CN và các Bộ ngành liên quan định hướng và tăng cường hỗ trợ thông tin để DN có thể tiếp cận, lựa chọn công nghệ tối ưu và phù hợp nhất với tình hình của địa phương và DN”, bà Hiền kiến nghị.
Ông Paul Trần, Tổng Giám đốc Meggitt Việt Nam phát biểu
Là dự án công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp hàng không, Meggitt Việt Nam chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện máy bay, trong đó nhiều sản phẩm được bảo hành 20 năm. Với sự phối hợp nghiên cứu, chế tạo của đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Công ty, Meggitt Việt Nam đã thành công với nhiều loại động cơ, biến áp, thiết bị điều khiển… được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng không. Công ty cũng chú trọng đầu tư số hóa dữ liệu để sản xuất và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ông Paul Trần, Tổng Giám đốc Meggitt Việt Nam đã chia sẻ các khó khăn liên quan đến việc thực hiện chính sách thuế, các quy định về phòng cháy, chữa cháy và một số trở ngại khiến DN khó mở rộng quy mô sản xuất. Ông cũng cho biết, Việt Nam hiện thiếu các DN phụ trợ nên Công ty phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Khảo sát thực tế tại nhà máy của Meggitt Việt Nam
Trao đổi với Đoàn giám sát, đại diện Trường Đại học Lạc Hồng cho biết, tỉnh Đồng Nai có chủ trương thành lập Trung tâm Robot của tỉnh tại trường vì đây là lĩnh vực thế mạnh của trường nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì vướng các quy định trong đầu tư công.
Đoàn giám sát đã ghi nhận các ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai, các đơn vị, DN và sẽ tổng hợp để đưa vào báo cáo, kiến nghị tổng thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Ông Nguyễn Phương Tuấn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh:“Để phát triển thị trường KH-CN, vấn đề mấu chốt là phải có nguồn nhân lực công nghệ cao. Vì vậy, đề nghị tỉnh Đồng Nai quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH-CN. Đồng thời, rà soát các chính sách hỗ trợ DN công nghệ cao để hướng dẫn các DN thực hiện, tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường KH-CN”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị quyết Quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung, hình thức, hồ sơ và mức hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp ngày 29/9/2023. Bên cạnh đó, đã có dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ DN về lĩnh vực công nghệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.