Uỷ ban KHCN và Môi trường làm việc với Tổng Công ty Sonadezi

Chủ nhật, 16/07/2017, 03:52pm GMT+7

Tại buổi làm việc, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Chủ tịch HĐQT cùng Ban TGĐ Sonadezi đã báo cáo với đoàn công tác Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trườngvề tình hình hoạt động của Tổng Công ty Sonadezi cùng các đơn vị thành viên, đặc biệt là kết quả đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất kinh doanh và  những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các chính sách pháp luật.

Thu hút 65 DN công nghệ cao

Lãnh đạo Sonadezi cho biết, trong suốt quá trình hoạt động từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay, Tổng Công ty Sonadezi luôn chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vào các lĩnh vực hoạt động. Đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải và bảo vệ môi trường.Ngay từ năm 1998, Sonadezi đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải đầu tiên tại KCN Biên Hòa 2, sử dụng công nghệ Châu Âu với chi phí khoảng 3,1 triệu USD. Tính đến nay, 12 KCN của Sonadezi đều đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ xử lý tiên tiến, tổng công suất đạt 41.300 m3/ngày và tổng kinh phí xây dựng khoảng 404 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực xử lý chất thải, đơn vị thành viên của Sonadezi là Công ty SDV đã đầu tư 355 tỷ đồng xây dựng Khu xử lý chất thải Quang Trung với quy mô 130 ha. Hiện tại, đây là dự án xử lý chất thải có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất trong phạm vi từ miền Trung trở vào đây, đảm bảo được các chức năng xử lý, tái chế gần như liên hoàn. Tại dự án này, SDV cũng đã đầu tư khoảng 138 tỷ đồng để xây dựng nhà máy tái chế rác thải thành phân compost quy mô 3,5 ha, dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ Châu Âu theo công nghệ vi sinh học hiếu khí. Ngoài ra, SDV đang hợp tác với Trung tâm nghiên cứu về xử lý chất thải của Đại học Bách Khoa Tp.HCM để nghiên cứu xử lý bùn thải một cách hiệu quả nhất nhằm giảm chi phí xử lý cho các DN.

Trong thu hút đầu tư, Sonadezi luôn hướng đến các dự án sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Đến nay, 12 KCN của Sonadezi tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu đã thu hút 487 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 9 tỷ USD và 190 dự án DDI với tổng số vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, trong đó có 65 dự án công nghệ cao (với tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD)của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Fujitsu, Bosch, Olympus, Sanyo, Shell, Shisheido, Kenda, Atus, Hans Vina, 3M…

Còn nhiều khó khăn trong việc xác định DN công nghệ cao

Theo Tổng Công ty Sonadezi, hiện nay DN trong các KCN của Sonadezi đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí cũng như thủ tục công nhận DN công nghệ cao. Theo đó, mặc dù nhiều DN đang hoạt động trong KCN của Sonadezi có trình độ công nghệ cao, sản xuất nhiều sản phẩm đặc thù như linh kiện máy bay, linh kiện máy tính, linh kiện ô tô, xe máy, máy ảnh, màng phức hợp PE … Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 01 DN là Công ty Bosch (KCN Long Thành) đạt được chứng nhận DN công nghệ cao.

Ông Phan Đình Thám – TGĐ Tổng Công ty Sonadezi cho biết: “Hiện có nhiều vướng mắc, bất cập trong việc xác định và chứng nhận DN công nghệ cao. Trong đó, bộ tiêu chí chưa rõ ràng, phù hợp và khó đáp ứng. Đơn cử như quy định “DN công nghệ cao phải nằm trong khu công nghệ cao” là tiêu chí mà hầu hết các DN tại Đồng Nai khó đạt được bởi hiện nay Đồng Nai chưa có khu công nghệ cao. Ngoài ra, việc xác định như thế nào là chuyển giao công nghệ cao, như thế nào là công ty đầu tư công nghệ cao còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Do đó, rất nhiều DN đã chuyển giao hoặc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhưng chưa được công nhận là DN công nghệ cao”.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Không chỉ bộ tiêu chí xác định quá cao khiến cho DN, đặc biệt là DN trong nước khó đáp ứng được mà thủ tục hành chính trong cấp chứng nhận DN công nghệ cao còn quá rườm rà, phức tạp khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Ngay như Công ty Bosch mặc dù đã được lãnh đạo Chính Phủ, các Bộ ngành trực tiếp đến thăm và ghi nhận là sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nhưng Bosch cũng mất 3 năm trời mới hoàn tất được thủ tục chứng nhận DN công nghệ cao. Mặt khác, trong quy định về ưu đãi đối với DN công nghệ cao cũng còn nhiều chồng chéo, chưa thống nhất giữa các luật hiện hành. Các chính sách ưu đãi cho DN công nghệ cao hiện chưa được quy định cụ thể, đầy đủ tại Luật Đất đai cũng như các luật thuế. Do đó, những tiêu chí, chính sách đối với DN công nghệ cao cần được cụ thể hóa, phù hợp và thực thi một cách hiệu quả để tạo thuận lợi cho các DNchuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển sản xuất kinh doanh”.

Cùng quan điểm như trên, ông Bùi Xuân Thống nói: “Không chỉ riêng Sonadezi phản ánh về những bất cập trong tiêu chí, thủ tục công nhận DN công nghệ cao mà các DN trên địa bàn tỉnh cũng bức xúc về vấn đề này. Hiện thủ tục hành chính để được công nhận DN công nghệ cao còn rất phức tạp, khó thực hiện bởi không chỉ là thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ mà còn nhiều Bộ ngành khác và các quy định nằm rải rác trong nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật chuyển giao công nghệ… Mỗi Bộ xác định một tiêu chí khác nhau dẫn đến sự chồng chéo, gây lúng túng trong triển khai, thực hiện.Cần chú ý rà soát quy định, quy trình cấp giấy chứng nhận DN công nghệ cao để không trở thành yếu tố cản trở đối với các DN đầu tư, ứng dụng công nghệ cao”.

Khó thực thi do luật không nhất quán

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc với đoàn công tác Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng Công ty Sonadezi và các đơn vị thành viên đã phản ánh các vướng mắc, khó khăn khi thực thi các chính sách pháp luật trong lĩnh vực xử lý môi trường do trình trạng chồng chéo, chưa nhất quán giữa luật với luật, giữa luật với nghị định hay giữa thông tư và nghị định.

Đơn cử như tình trạng không tương thích giữa Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT đã được ông Trần Thanh Hải – Phó TGĐ Tổng Công ty Sonadezi phân tích rõ: Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về Quản lý chất thải và phế liệu, tại khoản 3 điều 40 có quy định: “Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải tập trung nếu có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại, nếu không có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại thì được quản lý theo quy định về chất thải thông thường” .Tuy nhiên, theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT (không hướng dẫn Điều 40 Nghị định 38/2015/NĐ-CP) lại quy định tất cả bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp có các ngành nghề: “sản xuất, điều chế hóa chất vô cơ, hữu cơ; xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác” (mã 12.06.07, 12.06.08) luôn luôn là chất thải nguy hại, không phụ thuộc vào hàm lượng các thành phần nguy hại có trong bùn thải”. Điều này không phù hợp với Nghị định 38/2015/NĐ-CP, gây ra những rắc rối, khó khăn và tốn kém cho DN trong quá trình thực thi. Do đó, Sonadezi kiến nghị xem xét, điều chỉnh Thông tư 36/2015/TT-BTNMT cho phù hợp với Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015.

Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và ý kiến đề xuất của Tổng Công ty Sonadezi, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệvà Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp tình hình, ý kiến để trao đổi với các cơ quan chức năng và yêu cầu các Bộ ngành giải quyết dứt điểm theo đúng vai trò, vị trí của mình để tạo thuận lợi cho DN phát huy tối đa khả năng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh. Ông Phan Xuân Dũng đề nghị : “Kết quả đạt được trong 27 năm qua cho thấy Sonadezi là một thương hiệu lớn, tạo được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước. Sonadezi đã thu hút rất nhiều DN lớn có công nghệ cao và Sonadezi cũng là một DN đang ứng dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực hoạt động của mình. Do đó, trong thực tiễn hoạt động, nếu có những bức xúc, bất cập, vướng mắc, Sonadezi cần tích cực phản ánh, kiến nghị để các cơ quan chức năng biết và sớm tháo gỡ. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và DN, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Hình ảnh buổi làm việc:

Buổi làm việc giữa đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổng Công ty Sonadezi
Ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu
– tại buổi làm việc với Tổng Công ty Sonadezi.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sonadezi phát biểu
Đoàn Công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến của Tổng Công ty Sonadezi
Ông Phan Đình Thám – TGĐ Tổng Công ty Sonadezi phát biểu
Ông Bùi Xuân Thống – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Trần Thanh Hải – Phó TGĐ Tổng Công ty Sonadezi phát biểu