Câu chuyện của Sonadezi: Những kỹ thuật viên gắn bó với tổng đài GOLD STAR

Để Tổng đài Gold Star được lắp đặt hoàn chỉnh và đưa vào vận hành suôn sẻ, Sonadezi đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của Bưu điện TP. Hồ Chí Minh, Bưu điện tỉnh Đồng Nai… Trong đó, nhiều cán bộ, kỹ thuật viên đã trực tiếp góp sức, hỗ trợ Công ty triển khai dự án quan trọng này, Sonadezi xin giới thiệu câu chuyện về một số nhân vật đã đóng góp tích cực cho sự thành công của Tổng đài Golf Star.

Người giám sát đúc cột điện thoại

Khi Sonadezi đầu tư Tổng đài kỹ thuật số hiệu Gold Star, để có các trụ điện thoại chất lượng và quy cách phù hợp, Công ty quyết định thuê Công ty Công trình Bưu điện 3 thuộc Tổng cục Bưu điện (ở Thủ Đức) đúc mới toàn bộ số trụ điện thoại bê tông (loại cao 7,3m) để kéo cáp tại các tuyến đường trong KCN Biên Hòa 1. Ông Trần Minh Trí, một cựu chuyên gia của Bưu điện Đồng Nai vừa đi tu nghiệp ở Liên Xô về được giao trọng trách giám sát việc đúc lô cột bê tông này.

Đây là nhiệm vụ khá khó khăn, vất vả vì hàng ngày ông phải tự túc đi xe từ Biên Hòa lên xưởng đúc trụ bê tông, giám sát chặt chẽ từ khâu bo xương sắt, khuôn cốp pha tới việc phối trộn từng mẻ bê tông để đúc cột. Tất cả các công đoạn đều phải được giám sát viên Trần Minh Trí kiểm tra và chấp thuận bằng văn bản thì mới được đổ bê tông. Khâu bảo dưỡng để bê tông đủ độ đông cứng theo tiêu chuẩn cũng được giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề và được đào tạo bài bản trong quá trình tu nghiệp, ông Trần Minh Trí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lô hàng hơn ba trăm cột điện thoại bê tông của Công ty đã hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao, không cột nào bị lỗi, dù là nhỏ nhất.

Ngày bàn giao sản phẩm cho Công ty, đích thân Giám đốc Công ty Công trình Bưu điện 3 đã theo xe lên giao hàng. Gặp Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Đồng Nai (vốn là sếp cũ của mình tại Bưu điện Tp. Hồ Chí Minh), ông “trách” nhẹ: “Gớm, anh kiếm đâu ra tay giám sát thi công làm gắt thế không biết !”.

Kỹ thuật viên điện thoại trẻ nhất Công ty

Sau khi Tổng đài Gold Star của Sonadezi được kết nối trực tiếp và trở thành một cổng viễn thông của Bưu điện Tp.Hồ Chí Minh thông qua hệ thống ăng ten vi ba, việc tiếp theo là lắp đặt điện thoại cố định cho các khách hàng KCN có nhu cầu sử dụng điện thoại 5 số quay số trực tiếp IDD. Với chính sách khuyến mãi linh hoạt là lắp đặt hai máy nhưng tiền thuê bao chỉ tính một máy, số lượng thuê bao đã tăng lên nhanh chóng. Phần lớn các nhà máy đều lắp từ hai máy điện thoại trở lên.

Khi Công ty chưa kéo được hệ thống cáp điện thoại tới các điểm tủ cáp trong KCN, những thuê bao đầu tiên phải lắp đặt bằng dây điện thoại dã chiến kết nối từ tổng đài tới máy điện thoại của khách hàng. Kỹ thuật viên dây máy đầu tiên của Công ty là ông Phan Chiến Thắng – mới tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Bưu điện ở Tiền Giang và được Giám đốc xin về cho Công ty.

Còn nhớ, lúc thi công dây máy cho thuê bao đầu tiên là Nhà máy Viettronic Biên Hòa, ông Phan Chiến Thắng mới được 17 tuổi 8 tháng. Giám đốc Công ty đã giữ thang cho ông Thắng trèo lên mắc dây và nói vui với anh em đứng xung quanh: “Tôi phải giữ thang cẩn thận cho Thắng. Lỡ có bề gì nó trượt chân ngã, xảy ra tai nạn lao động là gay lắm đấy, vì nó chưa đủ tuổi lao động”.

Những năm tháng lăn lộn phục vụ khách hàng đã trui rèn người công nhân dây máy trẻ tuổi Phan Chiến Thắng trở thành người lao động xung kích của Công ty. Sau khi tổng đài Gold Star hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, cùng với sự lớn mạnh của Viễn thông Đồng Nai, mảng kinh doanh viễn thông đã được bàn giao trở lại cho Bưu điện tỉnh. Ông Thắng về Bưu điện tỉnh công tác một thời gian, sau đó về lại ngôi nhà Sonadezi. Hiện nay, ông là một cán bộ có năng lực của Công ty CP Môi trường Sonadezi – một thành viên của Tổng công ty Sonadezi.

Thâu đêm với tổng đài Gold Star

Khi lắp đặt Tổng đài Gold Star, các chuyên gia của Bưu điện Tp.Hồ Chí Minh và các kỹ thuật viên giỏi tay nghề của Bưu điện Đồng Nai đã được mời tới để lắp đặt, gắn và cân chỉnh các chảo vi ba trên đỉnh trụ ăng ten. Hàng ngàn sợi dây dẫn với đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng từ trong ruột các sợi cáp được kéo ra để đấu nối tổng đài, các tủ đấu dây và các cổng xuất nhập thông tin của tổng đài với máy tự động ghi nhận dung lượng và tính cước cho các thuê bao.

Ông Nguyễn Văn Động là kỹ thuật viên tổng đài “cứng” nhất của Bưu điện Đồng Nai được giao nhiệm vụ kết nối những “mớ bòng bong” dây rợ đó theo đúng vị trị đấu nối. Công việc này tỉ mỉ, đòi hỏi sự chính xác cao và sự yên tĩnh. Chính vì thế, khi những công đoạn cần nhiều người phối hợp làm vào ban ngày đã xong, mọi người rút về hết thì lúc đó mới là lúc ông Động thực hiện các phần việc của mình. Giám đốc Thuyên nói, “cứ để yên cho Động làm, đừng ai quấy rầy. Chắc chắn Động sẽ làm tốt, cứ yên tâm”. Đó là sự khích lệ và động viên rất lớn đối với ông Động.

Quả nhiên, sau mấy đêm miệt mài với mớ “bòng bong” dây rợ, việc kết nối tổng đài với cáp viba, với tủ cáp thuê bao, với máy tính cước tự động… đã hoàn tất. Ai cũng hài lòng chứng kiến thành quả sau nhiều ngày làm việc thâu đêm của kỹ thuật viên tổng đài Nguyễn Văn Động.

Rất tiếc sau khi tổng đài đi vào hoạt động thì chỉ còn các kỹ thuật viên tổng đài Lâm Thanh Hỏa, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Tích… được điều từ Bưu điện Đồng Nai sang công tác tại Công ty, còn ông Nguyễn Văn Động vẫn được giữ lại công tác ở Bưu điện tỉnh Đồng Nai. Có thể nói, những đóng góp công sức của ông cho sự ra đời và hoạt động hiệu quả của tổng đài Gold Star là rất đáng kể và đáng được ghi nhận.